Mô hình DOPE: Bạn giao tiếp như loài chim nào?
Để ngôn từ không còn bất lực và ức chế tinh thần không phải lên ngôi!
Mình từng có một người sếp, tạm gọi là chị E. Chị quyết đoán, thực tế và có tư duy hướng về kết quả (result-oriented) rất cao. Để kịp báo cáo công việc theo tiến độ chị mong muốn, mình phải luôn duy trì tốc độ và hiệu suất cao nhất (gần như là quá tải). Quãng thời gian làm việc cùng chị giúp mình gặt hái được rất nhiều kết quả hữu hình trong công việc, nhưng đánh đổi là sự căng thẳng, áp lực trong từng nhịp thở.
Mình từng có một bạn trưởng nhóm, tạm gọi là P. Bạn toát ra nhiệt huyết bừng bừng, nói chuyện thu hút và rất sáng tạo. P chiếm sóng đâu đó 70-80% thời lượng mỗi cuộc họp để đưa ra các ý tưởng mới cho nhóm. 1 cuộc họp, 2 cuộc họp, rồi n cuộc họp, ý tưởng sản sinh liên tục; sự hoang mang của các thành viên lớn dần khi deadline gần kề nhưng kế hoạch triển khai thực tế thì vẫn bỏ ngỏ.
Trong 2 câu chuyện trên, mình tin rằng không ai có lỗi cả.
Mà lỗi thuộc về tạo hóa, khi đã tạo ra loài người thật muôn hình muôn vẻ.
Để khái quát hóa sự đa dạng này, tiến sĩ-nhà tâm lý học Gary Couture đưa ra lý thuyết về 4 kiểu hành vi trong giao tiếp, với đại diện là 4 loài chim (DOPE).
🕊️ Bồ câu (Dove): hệ ôn hòa
🦉 Cú (Owl): hệ phân tích
🦚 Công (Peacock): hệ truyền cảm
🦅 Đại bàng (Eagle): hệ quyết liệt
Phần thú vị xin bắt đầu từ đây!
Bạn giao tiếp như loài chim nào?
1️⃣ Dành 3 phút hoàn thành bài trắc nghiệm: DOPE Test.xlsx
2️⃣ Đối chiếu kết quả với đồ thị để xác định loài chim đại diện của mình.
3️⃣ Tìm hiểu kiểu hành vi giao tiếp của từng loài chim.
🕊️ Bồ câu (#people-oriented): “Hãy cùng nhau hỗ trợ và phát triển nhé”
Giao tiếp về: động lực và nguyện vọng, giá trị và niềm tin, phát triển bản thân, tinh thần đội nhóm
Điều khiến bồ câu “gãy cánh”: sự áp đặt, sự gay gắt, sự tranh cãi, sự thay đổi.
Khi cuộc đối thoại có xu hướng căng thẳng leo thang, bồ câu có xu hướng đồng ý, nương theo đề xuất của đối phương (miệng cười nhưng lệ đổ trong tim)
🦉Cú (#process-oriented): “Hãy tạo nên quy trình đúng cho công việc này”
Giao tiếp về: Bằng chứng và số liệu phân tích, chính sách và quy trình, kế hoạch triển khai và dự trù.
Điều khiến cú “gãy cánh”: sự phá vỡ khuôn khổ, sự bất quy tắc, sự cảm tính, sự rủi ro.
Khi cuộc đối thoại có xu hướng căng thẳng leo thang, cú có xu hướng im lặng hoặc biến mất (để tìm kiếm luận điểm từ bằng chứng, số liệu trước khi đưa ra bất kỳ đề xuất gì)
🦚 Công (#idea-oriented): “Hãy áp dụng ý tưởng/cách làm mới này xem sao”
Giao tiếp về: sáng tạo và cải tiến, bức tranh toàn cảnh, cách làm mới, sự thay đổi và tính khả thi.
Điều khiến công “gãy cánh”: sự thực dụng, số liệu và kế hoạch chi tiết, sự thiếu linh hoạt, sự khuôn khổ
Khi cuộc đối thoại có xu hướng căng thẳng leo thang, công có xu hướng tăng cường độ nói, thu hút sự chú ý của đối phương để thuyết phục đến cùng (tôi không từ bỏ thì người từ bỏ phải là bạn)
🦅 Đại bàng (#action-oriented): “Hãy nâng hiệu suất công việc lên cao nhất”
Giao tiếp về: mục tiêu và kết quả, tiến độ và sự hoàn thành công việc, hiệu suất, thử thách và thành tựu.
Điều khiến đại bàng “gãy cánh”: mong muốn và cảm xúc, sự chậm trễ, lý do lý trấu, sự thiếu quyết đoán.
Khi cuộc đối thoại có xu hướng căng thẳng leo thang, đại bàng có xu hướng đối đầu, áp đặt đối phương để đạt được phán quyết cuối cùng cho vấn đề (ai có ý kiến gì lên phường trình bày sau)
Quá rõ ràng để thấy 4 loài chim này có nhiều điểm khác biệt, thậm chí là đối lập hoàn toàn trong nhu cầu giao tiếp. Khi cuộc hội thoại bạn và ai đó trở nên ức chế cực mạnh thì hãy hít thật sâu, tìm hiểu xem đối phương thuộc loài chim nào và cố gắng tìm điểm giao thoa trong cách giao tiếp của nhau.
⬇⬇⬇ Bình luận bên dưới kết quả và mô tả loài chim của bạn có đúng không nhé!
____________________________________________
#wotn5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Ê workshop về teamwork bên t cũng xài Dope